M.U đừng đốt cháy giai đoạn



Năm 2005, một năm sau khi được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội tuyển Đức, Juergen Klinsmann từng tâm sự rằng: “Người Đức cần một cách nghĩ mới.” Cái mới của Klinsmann lớn đến mức ông đang điều khiển ĐTQG từ California, Mỹ. Và bất chấp mọi sức ép, ông vẫn nói: “Từ từ, tôi thấy tôi chưa cần trở lại Đức”.


Những gì diễn ra vào năm 2006 có lẽ cũng không cần nhắc lại. World Cup 2006 chính là bước đệm để Đức lột xác sau thời gian mà Beckenbauer phải thốt lên: “Người Đức đang tụt hậu so với thế giới”. Cái từ “tụt hậu” ấy chính là điều đang diễn ra với Manchester United sau khi chia tay Alex Ferguson. Điều lợi hại nhất của Ferguson đến tận bây giờ vẫn là tầm nhìn chiến lược và đào tạo con người của ông. Nói tóm lại là kỹ năng quản trị xuất sắc. Chính vì sở hữu điều này nên dù đối mặt với bao nhiêu cơn sóng mới của các HLV từ Wenger đến Mourinho, từ những lò đào tạo trẻ đến các túi tiền dầu mỏ, thì Ferguson đều có thể đánh bại hoặc tạo thế đua song mã cùng họ. 


Vấn đề, như đã nói cho mòn, là những người như Ferguson thì chẳng có nhiều. Cho nên khi ông ra đi thì chuyện M.U đang đối diện chính là sự tụt hậu do ông để lại. Vì đấy là một mô hình chỉ ông điều khiển được nên chẳng ai sau này có thể vận hành nó. Cuối cùng, điều M.U có hôm nay là một chiến lược, chiến thuật hay quản trị gì đó rất mơ hồ. Nhưng nó không phải kiểu “vô chiêu thắng hữu chiêu” như Zidane, mà thuần túy là mất phương hướng.

Những gì M.U đang cố gắng làm gợi cho người ta hai suy nghĩ. Hoặc là không phải hướng đến chức vô địch, hoặc là bất lực trong việc hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Ví dụ như khi cùng tranh giành Pep Guardiola, thì bên chiến thắng là Man City. Đặt một niềm tin cho một vị HLV, thì M.U quá ưa thay đổi so với một Liverpool để trọn vẹn niềm tin vào Juergen Klopp và bộ sậu của ông. Ở sàn chuyển nhượng thì sao? Nhìn Chelsea đi. Để trở lại đỉnh cao, họ đã tạo nên một mùa Hè chuyển nhượng toàn diện và đáng ghen tị. Thậm chí với những Everton hay Tottenham cũng đều có cách làm riêng để thể hiện tham vọng. M.U không có điều đó. Trên thế giới, các bậc thầy chiến lược như Pep Guardiola hay Juergen Klopp, Diego Simeone hay Zinedine Zidane, họ đều “ấm chỗ” ở các CLB khác. Những siêu sao lớn nhất thế giới từ chối đến với M.U, và mỗi lần CLB này mua ai, họ đều bị thổi giá và mua bán khó khăn.

Vậy điều M.U cần nhất chính là gì? Một suy nghĩ mới. Như cái cách mà Klinsmann và nền bóng đá Đức đã làm khi xưa. Và để làm được điều này, họ cần tự bằng lòng với chính mình trong từng thời điểm. Chức vô địch luôn là mục tiêu lớn nhất của những tên tuổi lớn như Man United. Nhưng vấn đề là thời thế đang đổi thay và trong một giải đấu khốc liệt như Premier League, điều thực tế hơn họ nên làm là vạch định từng bước hơn là vội vã đốt cháy giai đoạn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chấn thương, bại trận và hành vi phi thể thao nhấn chìm Arsenal

Neymar vắng mặt trận lượt về PSG vs Barca?

Thống kê chỉ ra Maguire 'đỉnh' hơn 2 mục tiêu của M.U là Koulibaly và Gabriel